Friday 18 June 2010

10 nhà bị xiết nợ, chỉ cứu được một



Cập nhật lúc 7:58:30 PM - 22/04/2010

DiaOc042210.jpg


Vũ Đức Hiền


Cứ 10 căn nhà đối diện với nguy cơ bị xiết nợ, chỉ cứu nổi một căn qua các chương trình chống đỡ của chính phủ.


Sự thật này chắc làm rất nhiều người buồn vừa âu lo vì những số tiền khổng lồ được đổ ra, tưởng phải mang tới tác dụng lớn lao hơn.

Theo các con số thống kê mới nhất được được công bố, chương trình ngăn chặn cơn bão nhà bị xiết nợ (foreclosed) do chính phủ Obama phát động từ khi ông lên nhậm chức đầu năm ngoái đến nay mới chỉ giúp cho 228,000 chủ nhà được điều chỉnh vĩnh viễn (permanent modification) món nợ vay mua nhà. Khoảng 781,000 chủ nhà khác đang được cho điều chỉnh tạm thời (trial modification). Sau một thời gian tối thiểu ba tháng nếu trả nợ đúng hạn kỳ và vấn đề kiểm chứng và cứu xét hồ sơ hoàn tất, họ có thể được chuyển sang thành điều chỉnh vĩnh viễn.

Khi được cho điều chỉnh món nợ vĩnh viễn, số tiền trả hàng tháng cho chủ nợ không vượt quá 31% lợi tức của chủ nhà.


Dù sao, con số các trường hợp chủ nhà được chấp thuận cho điều chỉnh nợ vĩnh viễn sau một năm thi hành kế hoạch, vẫn chỉ là một số nhỏ trong tổng số khoảng 6 triệu tới 7 triệu chủ nhà trả nợ trễ hạn hay ỳ ra không trả vì không trả nổi. Đây chỉ kể tới những trường hợp đã không trả nợ từ 60 ngày trở lên và nhà tài trợ có thể chuẩn bị tiến hành thủ tục xiết nợ nếu chủ nhà không tiếp xúc với chủ nợ để tìm một giải pháp giữ lấy nhà.

Theo cuộc khảo cứu của Ủy Ban Giám sát của Quốc Hội Liên Bang, chương trình của chính phủ Obama chỉ giúp được tối đa khoảng 1 triệu chủ nhà tránh được cảnh xiết nợ mất nhà. Năm ngoái, khi đưa ra chương trình cứu nguy địa ốc, chính phủ liên bang dự trù cứu khoảng 4 triệu chủ nhà. Số tiền dành ra để giúp các chủ nhà gặp khó khăn trả nợ, điều chỉnh món nợ vay mua nhà lên đến $50 tỉ đô la gọi tắt là TARP (Troubled Assets Relief Program).

“Cứ mỗi một chủ nhà tránh được xiết nợ thì có 10 gia đình mất nhà hồi năm ngoái.” Ủy Ban Giám Sát của Quốc Hội viết trong bản tường trình về kế hoạch giúp điều chỉnh món nợ gọi là “Home Affordable Modification Program” (HAMP). “Đến nay tình hình thấy rõ là chương trình HAMP cho dù có được vận hành tối đa cũng không giúp nổi đa số các chủ nhà gặp hoạn nạn.”

Bản phúc trình của Quốc Hội là một cú đánh mới nhất vào kế hoạch cứu nguy thị trường địa ốc của tổng thống Obama. Trước đây, người ta chỉ thấy báo giới đưa ra các bài viết về những lời than phiền của quần chúng về những phức tạp, lộn xộn bất nhất của vấn đề xin điều chỉnh món nợ. Bên cạnh đó, nhiều kinh tế gia bầy tỏ các ý kiến hay phân tích cho thấy kế hoạch tiêu tốn quá nhiều tiền thuế của dân trong khi kết quả thu được lại đáng thất vọng.

Trong khi khen ngợi các nỗ lực gần đây của Bộ Tài Chính đôn đốc để tăng nhanh các trường hợp được cứu xét cho điều chỉnh vĩnh viễn, Ủy Ban nêu ra nhiều e ngại, trong đó gồm cả sự tốn kém quá lớn và ngay cả mục đích của chương trình. Ngoài ra, Ủy Ban còn nêu ra cho thấy ngoài chương trình HAMP, nửa chục chương trình khác cũng được dùng để chống đỡ khủng hoảng địa ốc đều chậm trễ hay không có bao nhiêu tác dụng.

Tháng hai 2009, sau khi công bố kế hoạch giúp giới chủ nhà gặp khó khăn trả nợ điều chỉnh món nợ để số tiền phải trả hàng tháng phù hợp với khả năng trả nợ, gần một năm sau chính phủ mới đưa ra kế hoạch giúp những người thất nghiệp giữ lấy nhà.

Khởi đầu của chương trình, người thất nghiệp coi như cơ hội mất nhà rất cao vì tiền trợ cấp thấp nghiệp chi tiêu ăn uống có thể còn thiếu thì lấy gì trả nổi món nợ cho căn nhà. Đã vậy, rất nhiều người trong số này, còn đang ôm những món nợ nhiều hơn trị giá căn nhà. Họ đã mua nhà vào thời điểm giá nhà lên cao nhất, bây giờ, không những vậy, còn liều lĩnh vay hai món nợ khác nhau để lấy nhà vì số tiền trả trước có trong túi quá ít.


Gần đây, chính phủ liên bang bơm cho 10 tiểu bang, trong đó gồm cả California, số tiền $2.1 tỉ đô la để các tiểu bang đưa ra các kế hoạch giúp các chủ nhà loại này đối phó với các khoản nợ nhì của căn nhà. Chưa thấy có tin tức rõ rệt về sự sử dụng tiền ra sao của các tiểu bang vì số tiền này được cung cấp khá bất ngờ, không nằm trong kế hoạch nào của các địa phương. Một trong những lý do là chính phủ liên bang chỉ cung cấp tiền và cho toàn quyền các tiểu bang làm kế hoạch sử dụng tùy hoàn cảnh của riêng mình.

Cũng thời gian gần đây, chính phủ liên bang cũng đưa ra chương trình khuyến khích các nhà tài trợ chấp thuận tiến hành nhanh các vụ bán nhà dưới món nợ (short sales) vì nếu để càng lâu bao nhiêu, con nợ ỳ ra không trả tiền hàng tháng, nhà tài trợ cuối cùng phải xiết nợ dẫn đến thiệt hại tài chánh nhiều hơn nữa. Theo sự thúc đẩy và áp lực của chính phủ, một số công ty dịch vụ thu nợ cũng như ngân hàng lớn đã can đảm thực hiện điều này. Đã thấy có những lời xác nhận của giới hành nghề địa ốc cho hay trong nhiều trường hợp, thời gian chờ đợi để có câu trả lời chịu bán hay không “short sale” của chủ nợ xuống còn có một tháng, thay vì từ ba đến sáu tháng.


Một trong những lý do làm cho chương trình cứu nguy địa ốc của chính phủ Obama không có kết quả khả quan ngay từ đầu vì cái kẹt của những món nợ nhì (second loans) nằm trên căn nhà. Người ta chỉ chú ý đối phó với món nợ nhất (first loans) thường chiếm đến 80% của số tiền vay mua nhà. Món nợ nhì thường chiếm 10% (nếu chủ nhà trả trước 10%) hay 15% (nếu chủ nhà chỉ có 5% trả trước để mua).

Ủy Ban Giám Sát của Quốc hội nhận thấy cần phải chú ý đến việc giúp chủ nhà đối phó với món nợ nhì. Nói khác, cũng phải giúp giảm số tiền phải trả hàng tháng của món nợ nhì chứ không riêng gì đối với nợ nhất.

Hồi Tháng trước, chính phủ Obama khuyến cáo các ngân hàng chủ nợ phải giảm số tiền đang nợ của chủ nhà cho tương ứng với trị giá nhà trên thị trường và căn cứ vào đó, điều chỉnh số tiền phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, chỉ là khuyến cáo thôi chứ không bắt buộc. Bởi vậy, không có nhiều nhà tài trợ (hay chủ các món nợ) tiến hành theo đề nghị của chính phủ liên bang.


Tại cuộc điều trần ở Quốc Hội hồi giữa Tháng Tư, các nhà lập pháp đã chất vấn và đòi hỏi các ngân hàng gia tăng nỗ lực điều chỉnh món nợ nhì và nói chung cần phải giảm số tiền đang nợ trên căn nhà cho chủ nhà như một giải pháp hữu hiệu và thực tế chống đỡ với trận khủng hoảng địa ốc kéo dài gần 4 năm qua. Tuy đại diện của những ngân hàng lớn như Bank of America, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Citigroup nói với các nhà lập pháp rằng họ ủng hộ sáng kiến đó nhưng sẽ chỉ thực hiện ở phạm vi rất nhỏ.

“Chỉ có một số trường hợp cá nhân hay một khu vực con nợ nào đó thì sự giảm nợ là có thể thích đáng chứ không phải tất cả.” David Lowman, tổng giám đốc điều hành của JPMorgan Chase phát biểu trong phiên họp. “Nếu cho giảm toàn diện các món nợ sẽ dẫn đến sự giới hạn tín dụng (vì nhà tài trợ sợ mất vốn) và chi phí vay nợ tăng cao (vì để phòng ngừa thua lỗ, nhà tài trợ sẽ lấy lệ phí đắt hơn) bở vì các nhà tài trợ sẽ tính toán sao cho đỡ thiệt thòi chỉ vì sau này có nguy cơ phải tha nợ cho người vay.”
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment