Wednesday 30 September 2009

Bạn Có Thể Làm Gì Khi Nhận “Notice of Default”?


September 24, 2009


Andrew Lưu-Việt Tribune

Hôm thứ ba, 15 tháng 9 vừa qua, Ben Bernanke, chủ tịch của Quỹ Dự Trữ Liên Bang tức Federal Reserve hay còn thường được gọi tắt là “Fed”, đã tuyên bố 2 câu “xanh dờn” trong một buổi họp tại Brookings Institution, một “think tank” tại Washington, D.C. “I’ve seen some agreement among the forecasting community at this point that we are in a recovery.” (tạm dịch, “Tôi đã nhìn thấy sự đồng thuận trong giới tiên đoán tại ngay thời điểm này rằng chúng ta đang trong thời kỳ hồi phục.”) là câu thứ nhất. Sau đó, ông Bernanke bồi thêm một câu nữa chắc nịch hơn, “From a technical perspective, the recession is very likely over at this point.” (tạm dịch, “Dưới cái nhìn chuyên môn, sự suy thoái kinh tế gần như chấm dứt trong thời điểm này.”).

Hình Minh Họa. Getty Images

Hai câu phát biểu trên của Ben Bernanke được giới truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế phổ biến rộng rãi khắp nơi, và được nhiều người tiếp đón một cách “hồ hởi và phấn khởi”. Tuy nhiên, trước câu hỏi của Strobe Talbott, chủ tịch của Brookings, về tình trạng thất nghiệp hiện nay với gần 15 triệu người không có việc làm, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp gần 10% trên cả nước, ông Bernanke thú nhận, “It’s still going to feel a very weak economy for some time because many people will still find that their job security and their employment status is not what they wish it was.” (tạm dịch, “Kinh tế còn rất yếu kém trong một thời gian nữa bởi vì nhiều người nhận thấy công việc làm của họ không bền vững như họ mong đợi.”).

Riêng đối với người Việt tại vùng Nam Vịnh, có lẽ thước đo kinh tế hay nhất là ta để ý xem có bao nhiêu chương trình văn nghệ được tổ chức trong mỗi tháng. Tối thứ Bảy tuần rồi, 19 tháng 9, trong chương trình văn nghệ của VNHelp, M.C. Thanh Tùng cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại California lên đến mức 12.2%, đồng thời lại quảng cáo về 2 chương trình văn nghệ sắp diễn ra. Điều này khiến chúng tôi mừng thầm rằng chắc chắn không có nhiều người Việt tại San Jose trong số 2.2 triệu người đang thất nghiệp tại California, vì lẽ họ phải dư tiền lắm mới có thể đi xem những ca sĩ ca không thuộc bài hay lúc nào cũng than bệnh hay than uống quá nhiều thuốc ngủ!

Mặc dù nền kinh tế của cả nước đang dần dần hồi phục, nỗi ưu tư và sợ hãi trước thảm cảnh bị xiết nhà (foreclosure) vẫn còn đè nặng trên tâm khảm của nhiều cư dân Việt tại San Jose. Điển hình là một độc giả của chúng tôi mà chúng tôi xin được dấu tên. Bà thường xuyên liên lạc với chúng tôi để tham khảo về việc sửa đổi nợ tức “loan modification”. Bà đã không trả tiền nhà “mortgage” trong 3 tháng, cũng như đã nhờ một văn phòng luật sư lo vấn đề “loan mod” cho bà. Tuy nhiên, bà vừa nhận được “Notice of Default” từ nhà băng, bà gọi chúng tôi và hỏi phải làm gì bây giờ. Chúng tôi xin trình bày một số giải đáp dưới dạng hỏi và đáp (Question & Answer tức Q & A).

“Notice of Default” là gì? Tạm dịch là “Giấy Báo Quịt Nợ”, “Notice of Default” (NOD) được nhà băng gửi bằng thư bảo đảm (certified mail) đến những người mượn nợ “mortgage” sau khi họ đã không trả tiền nhà từ 3 đến 4 tháng trở lên. Đây là bước tiên khởi của quá trình xiết nhà hay “foreclosure”. Người mượn nợ có 90 ngày, thời gian này được gọi là “period of redemption” hay có thể tạm dịch là “thời gian chuộc tội”, để trả hết số tiền thiếu hay nhà của họ sẽ bị bán đấu giá (auction) tại tòa án.

Người mượn nợ có thể làm gì sau khi nhận “NOD”? Trong thời gian 90 ngày mà nhà băng cho phép trong “NOD”, người mượn có thể nộp đơn để làm “loan mod”, kêu bán nhà dưới dạng “short sale”, hay trả hết tiền thiếu trong những tháng không trả tiền nhà để tránh bị xiết nhà.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người mượn nợ không làm “loan mod” sau ngày thứ 90? Nếu sau ngày thứ 90 mà người mượn nợ vẫn chưa xúc tiến việc sửa đổi nợ, nhà băng (còn gọi là trustee) sẽ gửi đến “Notice of Trustee’s Sale” (NTS) và đăng tải “Thông Báo Bán Đấu Giá” này trên các nhật báo địa phương trong vòng 20 ngày. Sau 20 ngày, nếu không có gì thay đổi đối với tình trạng món nợ, căn nhà sẽ được bán đấu giá một cách công khai bên ngoài tòa án. Nếu không có người mua giá cao (high bidder), căn nhà đó trở thành “của nợ của nhà băng” tức “real estate owned” (REO), và sẽ được các công ty địa ốc đem bán (list) trên thị trường.

Người mượn nợ có thể làm gì trong thời gian 20 ngày của “NTS”? Thông thường, nhà băng cho phép người mượn nợ thanh toán hết số tiền thiếu trong những tháng không trả tiền nhà, cộng thêm phí tổn 5 ngày trước ngày bán đấu giá công cộng. Nếu người mượn nợ không hành động kịp thời, căn nhà sẽ trở thành “dĩ vãng” của người mượn nợ!

Khai phá sản Chapter 13 có giữ lại nhà hay không? Khai phá sản Chapter 13 sẽ tạm thời chận đứng việc nhà băng xiết nhà. Tuy nhiên, một khi tòa án phán quyết chấp thuận việc khai phá sản (chữ trong nghề là “debtor is discharged” và có thể tạm dịch là “người thiếu nợ được tha bổng”), nhà băng sẽ tiến hành việc xiết nhà nếu người mượn nợ vẫn còn trả trễ tiền nhà hàng tháng.

Sau khi đã được “discharged” trong việc khai phá sản Chapter 13, người mượn nợ có thể nộp đơn xin làm “loan mod” hay không? Vâng. Tuy nhiên các bạn nên làm “loan mod” trước khi khai phá sản Chapter 13 vì sẽ có lợi hơn. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để được những điều kiện (terms) tốt hơn khi sửa đổi món nợ.

Đây chỉ là những hướng dẫn có tính cách khái niệm, nếu các bạn dự định nộp đơn để xin sửa đổi nợ hay khai phá sản, xin liên lạc trực tiếp với một văn phòng luật sư hay một văn phòng chuyên môn.

Andrew Nhân Lưu, một REALTOR® cộng tác lâu năm với công ty địa ốc Tuscany Real Estate Services, đã giúp rất nhiều thân chủ thành công trong việc mua nhà “bank owned” và “short sale” trong thời gian gần đây. Xin liên lạc trực tiếp với Andrew Nhân Lưu tại AndrewL@TuscanyRE.com hay (408) 896-7388 khi quý bạn đọc có những nhu cầu, thắc mắc về địa ốc, hay có những ý kiến đóng góp về bài viết này.

**************************************************

source

Viet Tribune Online

Monday 28 September 2009

Bán nhà “short sale”


September 17, 2009


Andrew Lưu-Việt Tribune

PHẦN HAI

Sáng Chủ nhật tuần qua, thằng bé con của chúng tôi bắt đầu lớp một Việt ngữ tại trường Văn Lang. Tối thứ Bảy hôm trước, thằng bé đi ngủ hơi trễ thành thử sáng Chủ nhật phải thức dậy sớm, thằng bé có phần lừ đừ. Chúng tôi vội vàng thay quần áo cho bé và chở con đến trường. Khi đón con lúc tan trường, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy con bỏ áo “polo” trắng với huy hiệu của trường Văn Lang vào quần một cách chỉnh tề. Chúng tôi hỏi thằng bé có phải cô giáo bảo bỏ áo vào quần hay không; thằng bé lắc đầu trả lời không và nói thêm con tự bỏ áo vào trong quần vì bắt chước những thằng bạn cùng lớp.

Nhà bán short sale. Getty Images


Điều này làm chúng tôi chợt nhớ đến những ngày mài đũng quần tại trường trung học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ. Cứ mỗi lần vừa bước ra khỏi cổng trường hay khi ông giám thị vắng mặt, hầu như tất cả đám bạn của chúng tôi đều kéo áo bỏ ra ngoài quần vì mặc áo “đóng thùng” là cả một cực hình đối với bọn tôi, những thằng con trai mới lớn mang trong người dòng máu nổi loạn. Sống tại Mỹ đã lâu, chúng tôi đã quen với lối ăn mặc cẩu thả của dân bản xứ thành thử không bao giờ nhắc con bỏ áo vào quần. Khi nhìn con tự động mặc áo “đóng thùng” tề chỉnh như thế này, chúng tôi chợt hiểu ra rằng lý do chúng tôi ghi danh cho con học trường Văn Lang không chỉ đơn thuần học tiếng Việt, mà còn học cả nề nếp học đường Việt Nam, và có cơ hội giao tiếp với thầy cô và bạn bè người Việt.

Chúng tôi biết tại thành phố San Jose, ngoài trường Việt ngữ Văn Lang còn có nhiều trung tâm dạy tiếng Việt khác do các nhà thờ, chùa và một số cơ quan thiện nguyện tổ chức, thành thử chúng ta may mắn có được nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi từng nghe một số phụ huynh than phiền rằng vốn liếng tiếng Việt của các thầy cô dạy thiện nguyện không dồi dào lắm, cũng như họ chưa từng được huấn luyện qua một khóa sư phạm nào cả, thành thử dạy con tiếng Việt tại nhà xem ra tốt hơn vì đỡ mất thì giờ đưa rước và có hiệu quả hơn. Chúng tôi không đồng ý với ý kiến này vì tại nhà rất khó duy trì sự đều đặn và kỷ luật, cũng như không thể nào tái tạo một không khí học đường Việt Nam.

Tiếp nối đề tài bán nhà “short sale” của tuần rồi, trở ngại lớn nhất của chủ nhà là làm thế nào để nhà băng đồng ý cho bạn bán nhà phủi nợ, chứ không đưa nhà vào “trustee’s sale”. Với sự giúp đỡ của một REALTOR® nhiều kinh nghiệm trong vấn đề “short sale”, chủ nhà cần phải thực hiện những điều sau đây: – Liên lạc trực tiếp với nhà băng hay người cho bạn vay tiền mua nhà (mortgage lender). Bạn cần phải nói chuyện trực tiếp với một nhân viên của nhà băng có đủ thẩm quyền để chấp thuận yêu cầu bán “short sale” của bạn. Bạn có thể nhờ chuyên viên địa ốc hay luật sư làm việc này cho bạn. – Cho phép nhà băng tiết lộ những thông tin về món nợ “mortgage” của bạn đến những người liên hệ. Bằng một giấy cho phép chính thức, bạn cho phép nhà băng hay “lender” được tiết lộ những thông tin về món nợ “mortgage” của bạn đến các chuyên viên địa ốc, “title company”, và những người liên hệ khác. Nếu không có giấy cho phép của bạn, nhà băng không có quyền tiết lộ những tin tức này vì chúng là những tin tức riêng tư cần phải bảo mật. – Viết một lá thư diễn tả những khó khăn tài chính mà bạn đang gặp phải. Trong lá thư được gọi là “hardship letter”, bạn giải thích cho nhà băng biết rõ những lý do nào khiến bạn không thể tiếp tục trả tiền “mortgage” hàng tháng nữa. Càng có nhiều lý do cụ thể, càng tốt. Tuy biết rằng nếu tình trạng tài chính của bạn càng khó khăn, cơ hội nhà băng chấp thuận yêu cầu bán “short sale” của bạn càng cao, bạn không nên khai man hay cường điệu quá về tình trạng của mình. – Yêu cầu chuyên viên địa ốc đại diện cho bạn viết một đánh giá về tình trạng tài chính của bạn. Bạn yêu cầu chuyên viên địa ốc viết một thẩm định về tình hình tài chính hiện tại của bạn cho nhà băng. Qua “evaluation statement” này, nhà băng hay người “lender” thấy rõ bạn không có khả năng trả hết số tiền bạn vay để mua nhà. Điều này sẽ làm nhà băng dễ dàng chấp thuận việc “short sale”, tức bằng lòng “tha” cho bạn một số tiền thiếu (short) sau khi việc bán nhà kết thúc. – Yêu cầu chuyên viên địa ốc làm một thẩm định tài chính sơ khởi về căn nhà của bạn. Chuyên viên địa ốc đại diện bạn thu thập tất cả những dữ liệu tài chính về căn nhà của bạn để đúc kết thành “preliminary financial report” về căn nhà của bạn, trong đó có giá nhà hy vọng bán được, tất cả những phí tổn liên quan đến việc bán nhà, và số tiền còn thiếu (loan balance), và những món nợ phải trả (thí dụ như thuế thổ trạch). – Yêu cầu chuyên viên địa ốc thẩm định giá nhà của bạn. Bạn yêu cầu chuyên viên địa ốc so sánh nhà của bạn với những căn nhà tương tự vừa được bán trong cùng khu vực tức làm cho bạn bảng CMA (Comparative Market Analysis). Trong bảng phân tích CMA này, giá bán của những căn nhà tương tự đã bán trong vòng 3 đến 6 tháng phải được liệt kê rõ, cũng như danh sách những nhà trong cùng khu vực đang bán trên thị trường. – Sau khi bạn chấp thuận một “offer” của người mua, bạn yêu cầu chuyên viên địa ốc chuyển “offer” này đến nhà băng để duyệt xét. Đây là lúc người mua than trời như bộng vì nhà băng, với nhiều lý do mà người bán và người mua không thể kiểm soát được, rất chậm chạp đi đến kết luận và người mua phải chờ mòn mỏi dài cả cổ.

Việc mua bán nhà “short sale” mất rất nhiều thì giờ chờ đợi; đôi khi người mua phải chờ gần 6 tháng nhưng kết cuộc vẫn không mua được nhà vì nhà băng cuối cùng quyết định “foreclose” căn nhà. Chính vì thế, nhiều chuyên viên địa ốc từ chối đại diện khách hàng mua nhà “short sale” vì tốn công vô ích. Khi bạn thành công trong việc mua nhà “short sale”, bạn phải khen thưởng chuyên viên địa ốc của bạn là tài giỏi. Tuy nhiên, bạn cũng phải tự khen chính bạn là may mắn, bởi vì “hay không bằng hên”! Andrew Nhân Lưu, một REALTOR® cộng tác lâu năm với công ty địa ốc Tuscany Real Estate Services, đã giúp rất nhiều thân chủ thành công trong việc mua nhà “bank owned” và “short sale” trong thời gian gần đây. Xin liên lạc trực tiếp với Andrew Nhân Lưu tại AndrewL@TuscanyRE.com hay (408) 896-7388 khi quý bạn đọc có những nhu cầu, thắc mắc về địa ốc, hay có những ý kiến đóng góp về bài viết này.

*************************************************************

source

Viet Tribune Online

Thursday 10 September 2009

Chuyện dài “Foreclosure”

August 31, 2009


Andrew Lưu-Việt Tribune

Thứ hai đầu tuần vừa qua, nhà và các con của chúng tôi đã trở lại trường học sau một mùa hè đầy ắp kỉ niệm. Chúng tôi cũng trở lại công việc quen thuộc hàng ngày là mỗi sáng đưa cậu con út đến trường trước khi đến sở làm. Năm nay cháu vào lớp 1, thành thử cháu không lấy chuyện đến trường làm lạ lắm vì đã “been there, done that” hai năm trước rồi. Tuy nhiên, trong không khí se lạnh dưới bầu trời ảm đạm đầy mây của một buổi sáng sắp sửa vào thu, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ đến đoản văn nổi tiếng của Thanh Tịnh mà chúng tôi tin chắc không một ai từng cắp sách đến trường tại Việt Nam trước biến cố 1975 mà không thuộc nằm lòng. Đó là đoản văn mang tựa đề “Hôm nay tôi đi học” mà chúng tôi mạn phép trích dẫn ở đây, “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Nhà bán short sale để khỏi bị foreclosure tại North Valley, San Jose tháng 8-2009. Tường Linh/Việt Tribune

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” Năm nay, chúng tôi đã ghi danh cho cậu con trai này đi học tại trường Việt ngữ Văn Lang vào mỗi sáng chúa nhật. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó con của chúng tôi có thể đọc và hiểu chữ Việt một cách thành thạo để thưởng thức đoản văn trên của Thanh Tịnh, và nhớ lại ngày nào ba của cháu đã dẫn cháu đến trường.
Lùi lại với hiện tại, gần đây nếu quý bạn đi tìm nhà để mua, hẳn các bạn đã nhận thấy số nhà “bank-owned” tức những nhà đã bị nhà băng “foreclosed” đã giảm rất nhiều trên thị trường. Trong bài viết mang nhan đề “Threat of foreclosure rises” (tạm dịch “Sự đe dọa của việc xiết nhà gia tăng”) đăng trên trang nhất của nhật báo San Jose Mercury News số ra ngày 12 tháng 8, ký giả Pete Carey đưa ra hai nhận xét phản nghịch nhau: tại quận hạt Santa Clara số chủ nhà đứng chông chênh trên bờ vực bị xiết nhà gia tăng, trong khi số nhà thật sự bị nhà băng xiết lại giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua.

Chủ nhà bỏ chạy để lại bãi rác trong các dạng nhà bán tháo tại San José Jose tháng 8-2009. Tường Linh/Việt Tribune

Số nhà “bank-owned” bán trên thị trường giảm vì các nhà băng, dưới áp lực của chính quyền thuộc mọi cấp không muốn các chủ nhà tiếp tục bị mất nhà, đã tình nguyện cộng tác với chính quyền đình chỉ việc xiết nhà. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhà băng sẽ lơ là và dễ dãi khi số chủ nhà trả trễ tiền “mortgage” mỗi ngày một gia tăng do ảnh hưởng của nạn thất nghiệp và cắt bớt giờ làm (furlough) càng lúc càng hoành hành khủng khiếp. Theo báo cáo của ForeclosureRadar, trong tháng 7 tại thung lũng này có 3,519 căn nhà đang tiến dần đến việc bán đấu giá, gia tăng 14% so với tháng 6 và gia tăng 90% so với cùng thời điểm năm rồi. Tuy nhiên, con số nhà bị nhà băng xiết và bán trên thị trường giảm 30% so với tháng 6, từ 591 xuống 414, và giảm 36% so với tháng 7 năm 2008. Trong khi đó, con số của “notices of default”, bước khởi đầu của việc xiết nhà, gửi đến những chủ nhà tại thung lũng này trả trễ tiền nhà gia tăng từ 1,494 trong tháng 6 lên đến 1,543 trong tháng 7. Đây là con số cao kỉ lục đứng hàng thứ hai sau tháng 3. Con số chủ nhà được thông báo nhà họ sắp bị bán đấu giá (tức là họ nhận được “notice of trustee sale”) trong tháng 7 gia tăng 33.5% so với tháng 6, từ 852 lên đến 1,138.

Đứng trước viễn ảnh bị mất nhà, nhiều chủ nhà vô tình đã trở thành nạn nhân của những tổ chức, công ty ma giáo chuyên lường gạt, hứa sẽ giúp họ giữ được nhà nhưng rốt cuộc “tiền mất, tật mang” những chủ nhà này vừa mất nhà, vừa mất tiền một cách vô ích. Sau đây là những dấu hiệu khả nghi (red flags) của những cái gọi là “công ty cứu nguy việc xiết nhà” (foreclosure rescue companies) mà California Association of REALTOR® đề nghị chúng ta phải để ý: – Đòi bạn trả tiền liền trước khi cung cấp dịch vụ – Khuyên bạn không được liên lạc với nhà băng cho mượn tiền (lender), luật sư, gia đình, và bạn bè – Đòi bạn trả tiền nhà (mortgage) thẳng cho công ty dịch vụ hay một trương mục do công ty này thành lập, thay vì trả cho “lender” của bạn – Đòi hỏi bạn trả bằng tiền mặt, cashier’s check, hay wire transfer – Hứa sẽ chận đứng việc xiết nhà cho dù hoàn cảnh của bạn như thế nào – Khuyên bạn nên chuyển chủ quyền của căn nhà (property deed hay title) vào công ty dịch vụ – Xung phong điền đơn từ giùm cho bạn – Áp lực bạn phải có hành động hay quyết định tức thì, không suy nghĩ; chẳng hạn như bắt bạn ký giấy tờ mà bạn không có cơ hội đọc kỹ hay bạn không hiễu rõ – Đề nghị mua nhà bạn với giá không phải là giá thị trường – Đòi bạn cho họ quyền đại diện tức “power of attorney” – Đòi bạn ký vào “grant deed” hay “deed of trust” – Đòi bạn ký vào giấy tờ còn chừa chỗ trống – Không cho bạn bản sao của những giấy tờ bạn ký – Không ghi ra giấy những hứa hẹn miệng Lời khuyên của chúng tôi là các bạn nên liên lạc thẳng với “lender” của bạn khi bạn trả trễ tiền “mortgage” hay khi bạn nhận được bất kỳ “notices” nào từ nhà băng. Liên lạc thẳng với nhà băng là phương cách tốt nhất để tránh những hiểu lầm hay sự trễ nãi có thể bất lợi cho bạn về sau này.
Andrew Nhân Lưu, một REALTOR® cộng tác lâu năm với công ty địa ốc Tuscany Real Estate Services, đã giúp rất nhiều thân chủ thành công trong việc mua nhà “bank owned” và “short sale” trong thời gian gần đây. Xin liên lạc trực tiếp với Andrew Nhân Lưu tại andrewl@tuscanyre.com hay (408) 896-7388 khi quý bạn đọc có những nhu cầu, thắc mắc về địa ốc, hay có những ý kiến đóng góp về bài viết này.

************************************************

source

Viet Tribune Online

Wednesday 9 September 2009

Hoa Kỳ giúp làm sạch sông bị ô nhiễm ở Sài Gòn




DCVOnlineTin ngắn (VNN)


Hoa Kỳ giúp làm sạch sông bị ô nhiễm ở Sài Gòn


Cơ quan Phát triển và Mậu dịch Hoa Kỳ (USTDA) và Công ty Cung cấp Nước Sài Gòn (SAWACO) đã ký một thỏa hiệp hôm thứ Ba ngày 3 tháng Chín để tài trợ cho dự án bảo vệ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, là nguồn nước chính cho thành phố Sài Gòn, và cải thiện điều kiện sống cũng như sức khỏe cho hằng triệu cư dân ở đây.

Số tiền tài trợ này nhằm phát triển một phương pháp xử lý nước thải với hiệu quả kinh tế từ ba nhà máy nước lớn của SAWACO và những đơn vị trực thuộc nhỏ hơn ở Sài Gòn. Công ty SAWACO, do nhà nước làm chủ và quản lý hiện cung cấp nước cho 6 triệu cư dân Sài Gòn.

Nước thải phải được xử lý toàn diện, và giảm thiểu sự ô nhiễm hệ thống sông ở Sài Gòn là ưu tiên hàng đầu.

Công ty WASACO đang tìm kiếm giải pháp kỹ thuật và mẫu mực xây dựng cơ sở nhằm xử lý chất thải cặn ở những nhà máy cung cấp nước của mình. Lãnh đạo công ty này đã chọn công ty CDM (Camp, Dresser & McKee Inc), một công ty của Hoa Kỳ nằm ở thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, để tiến hành khảo sát khả năng thực hiện và xác định những yêu cầu về cả hai mặt kỹ thuật và tài chánh cho sự án được USTDA tài trợ này.


Hệ thống xử lý nước sạch, nước thải
Nguồn: daviteq.com
Theo WASACO, dự án kéo dài 20 tháng này trị gía khoảng 675,761 đô-la, trong đó USTDA tài trợ 501,337 đô-la, công ty CDM đóng góp 125,244 đô-la, và 49,040 từ công ty WASACO.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh ông Kenneth Fairfax nói số tiền tài trợ nữa triệu đô-la này phản ảnh sự cam kết của Công ty nước Wasaco nhằm đạt được tiêu chuẩn môi trường cao nhất cho quy trình xử lý nước cũng như mối cam kết của chính phủ Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ thành phố Hồ Chí Minh đạt được mục đích cải thiện môi trường, vệ sinh và sức khỏe của cư dân trong thành phố.


© DCVOnline



Nguồn:

(1) US makes grant to clean up HCM City's polluted rivers. Vietnam News, 3 September 2009
*****************************************************
source
© DCVOnline