Sunday 14 April 2013

Năm loại người coi nhà open house


Năm loại người coi nhà open house
(VienDongDaily.Com - 11/04/2013)

Trong những cuộc mua bán địa ốc, những buổi mở cửa nhà mời đón khách vào xem vào ngày Chủ Nhật là một tiêu chuẩn hàng đầu. Giống như được hàm ngụ trong tên gọi “open house”, một ngôi nhà được mở cửa mời bất cứ ai biết tin có cuộc cho xem nhà như vậy, trên mạng Internet hoặc trên một mục quảng cáo in, lái xe ngang qua và đọc thấy tấm bảng open house của chuyên viên môi giới địa ốc. Tuy nhiên không phải hễ ai tới coi nhà mới cũng sẽ có thể là người mua nhà. Sau đây là năm loại người chắc sẽ đi rảo thăm căn nhà trong một cuộc mở cửa nhà đón khách vào xem.


1. Người mua thực sự
Những người này đang ở một giai đoạn nào đó trong tiến trình mua nhà. Họ đang trắc nghiệm thị trường, hoặc họ có thái độ nghiêm chỉnh và hội đủ mọi điều kiện, sẵn sàng hành động. Đối với người bán nhà, họ là những người mà bạn muốn đón vào nhà.


2. Người hàng xóm
Ông/bà hàng xóm này từ mấy năm nay cứ chờ có cớ để bước vào ngôi nhà của bạn, vì nhiều lý do khác nhau. Có thể nhà họ trông giống như nhà bạn – có thể được thiết kế bởi cùng một kiến trúc sư – và họ muốn so sánh nhà họ với nhà bạn. Cũng có lẽ còn những lý do khác khiến họ muốn vào xem. Có thể là vì ban đêm họ nghe tiếng nhạc hoặc tiếng ồn ào, và muốn xem cho biết chuyện gì xảy ra. Buổi open house của bạn cũng có thể đem lại cho người láng giềng một cơ hội để xem trong thực tế họ có được sự riêng tư đến đâu. Chẳng hạn, trong một cuộc open house của một ngôi nhà có cảnh trí đẹp ở San Francisco, một người láng giềng bước vào trong căn nhà và đi một mạch ra sàn deck ở phía sau. Trong khi đó, trong ngôi nhà hàng xóm ở bên kia sân sau, đứa con trai của người láng giềng này ngồi nơi cửa sổ. Điều xảy ra kế tiếp một cuộc đàm thoại bằng điện thoại di động, trong đó ông bố bảo đứa con trai di chuyển qua bên phải, sang bên trái, lên lầu, vân vân. Mục đích của ông bố ấy là xác định cho chính xác xem từ những điểm nào trong ngôi nhà của ông thì gia đình ông được (hoặc bị) những người láng giềng nhìn thấy. Bạn cũng sẽ gặp phải những người hàng xóm ồn ào. Họ sống ngay bên cạnh và chỉ muốn thỏa mãn sự tò mò của mình về ngôi nhà của bạn, thậm chí về chính bạn nữa.
3. Những người môi giới kiếm nhà cho khách hàng
Các chuyên viên địa ốc thường tới coi lại nhà cửa cho khách hàng của mình. Phần nhiều họ là những người chuyên nghiệp và lịch sự nhã nhặn. Dĩ nhiên, họ là ngoại lệ. Cách đây không lâu, trong phòng khách của một ngôi nhà open house có đông người vào xem, một nữ chuyên viên môi giới ngồi chễm chệ trên ghế sô-pha và nói chuyện qua điện thoại với khách hàng của mình. Bà lớn tiếng nói tóm tắt về ngôi nhà, bằng những từ ngữ không mấy hay ho. Bà nói: “Nước sơn thuộc thứ rẻ tiền, sàn nhà thiết kế lỗi thời, còn mấy phòng tắm đều cần sửa sang cập nhật lại. Đừng phí thì giờ cất công tới đây làm gì”. Khỏi cần phải nói, khi nghe câu chuyện ấy, người đại diện bên bán nhà chưng hửng. Ngay cả một số khách tới xem nhà cũng cảm thấy khó chịu. Người đại diện bên chủ bán nhà bèn lịch sự yêu cầu bà chuyên viên kia hãy ra bên ngoài mà nói chuyện.


4. Người bị mất mối làm đại diện bên bán
Trong nhiều trường hợp, một người bán nhà đã phỏng vấn nhiều chuyên viên môi giới trước khi chọn ra một người làm đại diện cho mình để bán nhà. Thỉnh thoảng các chuyên viên môi giới bỏ ra nhiều thì giờ, thậm chí chi ra nhiều tiền, cùng làm việc với một người có thể bán nhà, để giành lấy cho mình vai trò người đại diện bên bán. Hiển nhiên, không phải chuyên viên nào được phỏng vấn cũng đều giật được vai trò đại diện bên bán. Khi ngôi nhà được mở cửa đón khách vào xem, thì một chuyên viên trước đây bị hụt mất vai trò đại diện bên bán có thể tới thăm căn nhà ấy. Họ muốn biết xem người bán có tiếp nhận đề nghị nào đó do người này đưa ra trước đây hay không. Người bán có sơn căn phòng màu cam thành một màu khác đỡ chói hơn hay không, hoặc có sửa mới lại gian bếp hoặc mấy buồng tắm theo như những lời đề nghị trước đó hay không? Ngôi nhà mở có khi trở thành cơ hội cho chuyên viên mất mối ấy rảo quanh một vòng mà chẳng ai biết, vì đa số các chuyên viên môi giới đều sẽ không biết họ đã cạnh tranh với ai để giành vai trò đại diện bên bán.


5. Một người chủ cũ, hoặc một thân nhân của người này
Trong nhiều năm lo những vụ open house, một chuyên viên bận rộn với việc đại diện bên bán sẽ chắc chắn gặp phải một người trước đây từng bán căn nhà này, hoặc gặp con cái hay cháu chắt của người ấy từng lớn lên trong ngôi nhà. Những người này đến đây lại để xem ngôi nhà nay như thế nào và hồi tưởng lại cảnh cũ. Nhiều hoài niệm trở về trong một ngôi nhà xưa, và người thăm có cơ hội sống lại trong quá khứ như được tiếp đãi với những kỷ niệm. Thường thì điều đó chẳng hại gì cả. Nhưng bạn có thể gặp ông Steve nào đó là bà con với người chủ cũ, ông ta nói với người đại diện bên bán về chuyện những người bán nhà hiện nay sửa sang lại sân sau theo kiểu dễ sợ như thế nào. Tệ hơn thế nữa, bạn có thể gặp một người bà con gục đầu vào vai chuyên viên đại đại diện bên bán mà khóc nhớ bà nội bà ngoại, nhớ một người chủ trước của đương sự vừa mới qua đời.
Một chuyên viên giỏi đại diện bên bán sẽ cho bất cứ chuyện gì tương tự như vậy xảy ra trên vai mình, giữ vững một khuôn mặt cầu thủ chuyên nghiệp dõi mắt theo trái banh. Họ xin tin tức phản hồi từ những người bán nhà, và ghi nhận những lời bình luận, phản ứng và câu hỏi của những người này. Nếu bạn đang dự một dịp open house mà không có ý định mua nhà, thì có nghĩ gì cứ để trong đầu mình thôi. Hãy tỏ ra hết sức tế nhị và không gây phiền toái, và đừng làm phí thì giờ của chuyên viên đại diện bên bán – trừ khi bạn có những ý kiến phản hồi hữu ích nào đó cho chuyên viên môi giới hoặc cho chủ bán nhà.

source
Vien Dong Daily