Friday 5 March 2010

Năm Mới, Nói Tiếp Chuyện Bán Nhà


March 05, 2010


ANDREW NHÂN LƯU/Việt Tribune

Loay hoay mới vừa ăn Tết Canh Dần xong, hôm nay chúng ta đã qua khỏi rằm tháng Giêng. Quả thật ngày giờ tại xứ này qua nhanh đến độ chóng mặt, như nhạc sĩ Đức Huy đã viết trong bài

“Khóc Một Giòng Sông”,

Không chi xót xa cho bằng thân phận người Xa nhà sống một mình đơn côị Cũng may thời gian qua vun vút, không như Sài-Gòn Nếu không tôi đã khóc một giòng sông

Người Mỹ thường bảo rằng “time flies when you have fun.” Chúng tôi không chắc rằng mình thật sự “have fun” trong lúc này vì nhiều thân chủ của chúng tôi vẫn chưa mua được nhà mặc dù đã gửi nhiều “offers”. Lời khuyên của chúng tôi rằng chúng ta không nên nản lòng, “thua keo này bày keo khác” và rồi có một ngày quý bạn sẽ mua được nhà. Hãy quan niệm như thế này: mọi việc trên đời này đều do duyên số sắp đặt sẵn cả; cái gì của bạn rốt cuộc sẽ thuộc về bạn. Nhìn lại vấn đề ở một góc cạnh khác, chúng ta thấy thị trường địa ốc tại Silicon Valley vẫn còn rất nóng với nhiều sự cạnh tranh của người mua, nhất là những người mua bằng tiền mặt. Với tình hình công việc làm tương đối ổn định như hiện nay và số nhà bán theo dạng “bank owned” ngày một hiếm, chúng tôi tin rằng thị trường địa ốc từ nay cho đến hè sẽ còn nóng thêm nữa. Cảm nhận được điều này, nhiều chủ nhà bán nhà theo dạng bình thường, tức “regular sale”. Chúng tôi ước lượng số nhà bán bình thường chiếm khoảng từ 20% đến 30% của tổng số nhà bán (inventory) trên thị trường.

Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc nào rục rịch bán nhà trong thời gian từ nay cho đến hè một số lời khuyên mới mà chúng tôi mệnh danh là “5 Không Mới”. Xin nhớ rằng “5 Không Mới” này không đồng nghĩa với “5 Cũ” đâu nhé!

1. Không quyết định giá bán dựa trên số tiền muốn đem về: Chúng tôi đã từng đại diện một số người bán nhà phạm phải lỗi lầm này. Họ sử dụng “reverse engineering” để tìm ra giá bán; tức là trước tiên họ đưa ra con số tiền họ muốn mang về (net), sau đó họ cộng thêm vào đó những phí tổn bán nhà để đi đến “asking price”. Lẽ ra, người bán nhà phải làm việc với người “agent” của họ để lập ra bản CMA (Comparable Market Analysis) từ những dữ kiện của Multiple Listing Service (MLS). CMA là bản thống kê giá bán của những căn nhà tương tự trong cùng khu vực đã bán trong khoảng thời gian gần đây, cũng như những căn đang ở trên thị trường. Người bán và “agent” cũng nên đi xem những căn nhà đang bán để đánh giá tình trạng nhà cửa của địch thủ nhằm kêu giá bán của căn nhà của mình chính xác hơn. Bạn nên nhớ rằng người bán muốn kêu giá (asking price) cao bao nhiêu cũng chẳng có ai cấm, nhưng có bán nhà được hay không lại là một chuyện khác, bởi vì chính thị trường hay người mua mới quyết định giá bán (sales price).

2. Mướn một agent không dựa trên tiêu chuẩn tay nghề: Bạn nên mướn một “real estate agent” có nhiều kinh nghiệm, đáng tin cậy để đại diện cho bạn. Cách tốt nhất là mướn những chuyên viên mà bạn bè và người thân của bạn đã từng làm việc qua và đề nghị. Nếu em vợ của bạn mới vào nghề địa ốc và bạn muốn giúp đỡ bằng cách nhờ người này “list” nhà cho bạn, điều này dĩ nhiên cũng tốt thôi vì đó là em vợ! Nhưng nếu người này được một “broker” hay một “agent” khác nhiều kinh nghiệm làm người đỡ đầu, hướng dẫn tận tình, mọi chuyện sẽ tốt đẹp và bạn sẽ được nhà vợ thương hơn!

Hình Minh Họa. Getty Images

3. Không để tình cảm lấn lướt trong việc bán nhà: Đây là một lỗi lầm rất nhiều người bán nhà mắc phải. Khi chúng ta để tình cảm chi phối mà người Mỹ thường gọi là “emotionally involved,” chúng ta không có những quyết định chính xác. Một khi đã quyết định bán nhà, chúng ta phải xem căn nhà mà ta hằng gắn bó trong nhiều năm trời với rất nhiều kỉ niệm vui buồn như một món hàng (commodity) không hơn không kém. Đừng bao giờ nghĩ rằng cái gì của chúng ta cũng đều đẹp hơn, đặc biệt hơn của thiên hạ rồi kêu giá trên trời! Khi chúng ta đã xem căn nhà của mình như một món hàng, chúng ta phải chấp nhận rằng món hàng nào cũng phải theo giá thị trường của nó. Đừng bao giờ lầm lẫn giữa “sentimental value” và “market value”!

4. Không cố tình giấu nhẹm những hư hại của căn nhà: Đây là một lỗi lầm gây nhiều phiền toái và tốn kém nhất cho người bán sau khi bán được nhà. Thay vì “thật tình khai báo” những khuyết điểm và hư hỏng của căn nhà với người mua trong bản “disclosure”, người bán lại cố tình che đậy hay giấu nhẹm những vấn đề này. Sau khi dọn vào ở và khám phá những sai trái này, người mua có thể thưa người bán vì đã khai báo không chính xác hay thiếu sót. Nên nhớ rằng bán “As-Is” không làm nhẹ đi trách nhiệm của người bán đối với người mua. Ngoài ra, người bán còn có bổn phận khai báo những tai nạn, trộm cướp hay những cái chết không vì lý do tự nhiên xảy ra trong căn nhà của họ trong vòng 3 năm trước kể từ ngày bán nhà.

5. Không chủ quan hay quá tin người: Ngay cả những người từng bán nhà đôi khi quên hay sơ sót những lỗi lầm cơ bản như không đọc kĩ bản hợp đồng tức “contract” trước khi kí tên vì quá chủ quan, hay tin cậy quá đáng nơi người “agent”. Nên nhớ rằng tất cả những thỏa thuận phải viết thành văn bản tức “in writing”, chứ không thể nói khơi khơi được. Bạn cũng nên yêu cầu người “agent” của bạn viết một bản “transaction timeline” để bảo đảm mọi việc tiến triển theo đúng thời gian hạn định sau khi nhà đã vào hợp đồng.

Hy vọng “5 Không Mới” này cộng với “5 Không” của số báo ra ngày 19 tháng 2 sẽ giúp các bạn thành công trong việc bán nhà theo diện bình thường. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu quý bạn biết “chọn mặt gửi vàng” khi tuyển chọn một người “listing agent” dồi dào kinh nghiệm và đặt sự thành tín lên hàng đầu.

Andrew Nhân Lưu (DRE #01400203), một REALTOR® cộng tác lâu năm với công ty địa ốc Tuscany Real Estate Services với tôn chỉ “Committed To Serve Your Best Interests In Real Estate”® , đã giúp rất nhiều thân chủ thành công trong việc mua nhà “bank owned” và “short sale” và bán nhà “regular sale” trong những năm gần đây. Xin liên lạc trực tiếp với Andrew Nhân Lưu tại AndrewL@TuscanyRE.com hay (408) 896-7388 khi quý bạn đọc có những nhu cầu, thắc mắc về địa ốc, hay có những ý kiến đóng góp về bài viết này

source

Viet Tribune Online

Monday 1 March 2010

Đầu tư … từ đâu?


February 26, 2010


TRẦN HUYPHƯƠNG EDWARD

Bài 1

Tiền là Tiên là Phật Là sức bật con người Là nụ cười tuổi trẻ Là sức khỏe cụ già...

Trên đời nầy, ít ai mà không muốn có thêm tiền. Điều nầy chẳng có gì lạ. Cái hơi lạ là có quá nhiều người không những chỉ muốn làm giàu mà còn muốn làm giàu thật lẹ nữa kìa. Họ mơ tưởng, ước ao, tìm tòi, van vái sao cho ngủ một đêm thức dậy là thành “đại gia” liền, khỏi cần đổ mồ hôi, sôi nước mắt gì ráo trọi. Chắc tại vậy mà vé số mới có nhiều người mua, football mới có nhiều người cá, penny stock mới có nhiều người đánh, công ty multi-level mới có nhiều người gia nhập, nhà cửa ở nơi khỉ ho cò gáy mới có nhiều người mua 1 lần 5-7 căn để “đầu tư” dù bản thân mình thì “còn phia” mới chịu dọn tới những vùng đó ở. Trong khi đó, những cách làm giàu từ từ, chậm mà chắc, có bài có bản có sách có vở, đã được nghiên cứu, đã được chứng minh là có chất lượng, có thể đem lại kết quả tốt … thì lại thường bị chê bai dèm xỉa. Người trẻ thì nói rằng mấy cái kiểu làm giàu chậm rì đó nó “boring” quá đi thôi, chỉ có ông gìa bà cả họa may mới có đủ kiên nhẫn đeo theo. Còn người lớn tuổi thì lại than rằng tụi tui từng tuổi nầy rồi còn sống được bao lâu nữa đâu để giàu từ từ, đưa cho bọn trẻ họa may chúng mới có nhiều tháng năm đặng mà theo đuổi. Hèn chi ở Reno, Las Vegas, Atlantic City, người ta cứ cất thêm sòng bài hoài mà cái nào cái nấy cũng đông nghẹt! Bữa nay, qua bài viết “mở hàng” của loạt bài “Đầu Tư ... từ đâu?” mà Phương dự định sẽ từ từ gửi đến các bạn (lại cũng “từ từ” nữa!), Phương mong sẽ thuyết phục được một số các bạn rằng: làm giàu không khó, nhưng phải cần thời gian. Khi các bạn tin điều nầy và chịu kiên nhẫn một tí, chịu giảm bớt ga lại, chịu bỏ bớt hoặc bỏ hẳn những kiểu “đi tắt”, đi quá tốc độ, đi vượt đèn đỏ thì bạn sẽ không còn sợ bị (tù) túng nữa. Những con đường “đại lộ” mà Phương sẽ hướng dẫn bạn đi tuy có thể hơi xa và ít sôi động, nhưng khá an toàn, “chắc cú”, và cơ hội đưa bạn tới được xứ sở thịnh vượng sẽ rất cao.

Nhà bán được Tuscany Realty list tại San José. Photo Tuscany Realty Inc,

Các bạn sẵn sàng chưa? Mình bắt đầu cuộc hành trình nhe. Ồ, mà khoan đã. Trước khi mình lên đường, có một điều hết sức quan trọng mà mình cần phải làm trước là mình phải biết nơi mình muốn đến. Nếu mình không biết chính xác mình muốn tới chỗ nào thì dẫu có 18 cái bản đồ, 11 cái GPS mình vẫn đi vòng vo, đi lạc đường mà thôi. Cho nên, hãy dành một khoảng thời gian để nghĩ ra và viết xuống mục tiêu của mình. Đừng có viết xuống những mục tiêu chung chung, mập mờ như kiểu “Tôi muốn giàu” hoặc “Tôi muốn có một căn nhà riêng”. Mà hãy rõ ràng, chi tiết như là “Tôi có $500,000 trong bank và zero nợ nần trong vòng 5 năm nữa.” Hoặc là “Tôi làm chủ 1 căn nhà dưới 10 tuổi, rộng 2,500 s.f. ở trên đồi Evergreen”. Sau khi bạn đã viết xuống những mục tiêu của bạn rồi, hãy dành thêm một khoảng thời gian nữa để viết xuống những lý do tại sao mình muốn đạt tới những mục tiêu đó. Lý do càng mạnh mẽ, càng thôi thúc thì bạn càng dễ thành công. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về sức mạnh của “lý do”, Phương đố bạn cái nầy nha. Giả sử anh chàng A muốn có $50,000 để mua một chiếc xe hơi “xịn” đặng mà lấy le với cô gái làm chung, hầu chiếm được con tim của nàng. Còn chàng B thì cần $50,000 để người mẹ già có thể vô bệnh viện Stanford mổ cục bứu độc, hầu sống được thêm vài năm nữa với đàn con đám cháu. Theo bạn thì giữa A với B, ai có lý do mạnh hơn, ai có triển vọng kiếm được $50,000 hơn? Phương đoán rằng nhiều bạn sẽ “bắt” chàng B, vì văn hóa của người Việt mình dạy rằng “chữ hiếu nặng hơn chữ tình”, nên lý do của B nó “đúng đắn” hơn, nó “đạo đức” hơn, nó “chính nghĩa” hơn. Thiệt ra, giải đáp hợp lý nhất của câu đố trên phải là: còn tùy. Đúng vậy, phải tùy theo A thương bạn gái nhiều hơn, hay B thương mẹ nhiều hơn. Thực tế ở ngoài đời, chuyện anh hùng trèo non lặn suối vì mỹ nhân không phải là ít. Còn chuyện con cái bất hiếu với mẹ cha cũng chẳng thiếu gì. Tóm lại, để dễ thành công, bạn hãy tìm những lý do nào quan trọng đối với chính riêng bạn. Miễn là những lý do nầy thôi thúc, kích thích được bạn, thì dù cho chúng có cù lần, ngớ ngẩn hay “trái đạo lý” đối với người khác cũng chả hề gì. Hãy xài bất cứ điều gì làm bạn hăng. Đừng sợ người ta phê bình. Biết được chính xác nơi muốn đến, lại có được những lý do mạnh mẽ thúc đẩy, thì cơ hội bạn cố gắng đi tới nơi, chơi tới đích sẽ cao hơn nhiều. Dù chuyến đi có dài, có xa, có khó khăn, bạn vẫn sẽ không dễ gì chịu bỏ cuộc. Phần chuẩn bị cho chuyến đi đã xong xuôi, bây giờ mình bắt đầu lên đường. Khi đi bộ, chúng ta tuần tự nhịp nhàng bước chân trái xong rồi thì tới chân phải. Rồi lại chân trái. Rồi lại chân phải. Chỉ với 2 chân và thời gian, đích đến dù xa cỡ nào ta cũng sẽ tới được. Làm giàu cũng tương tự như vậy, chỉ cần ta bền chí đi theo hai bước căn bản sau: Bước 1 = Để dành tiền Bước 2 = Đầu tư Đúng vậy, bước đầu để trở nên “rủng rỉnh” là phải để dành tiền. Khi có dư chút đỉnh rồi thì mình kiếm chỗ đầu tư để tiền đẻ thêm ra tiền nữa. Và mình tiếp tục để dành thêm tiền. Rồi đầu tư tiếp. Rồi để dành nữa. Rồi đầu tư nữa. Cứ thế mà làm cho tới khi đạt tới mục tiêu. Đơn giản và khá dễ ợt. Đọc tới đây, chắc thế nào cũng có nhiều bạn chửi thề thầm trong bụng rằng: “Dễ cái … con bà nhà mi chớ ở đó mà dễ cái gì! Nội cái bước đầu tiên là để dành tiền thôi đã khó thấy mồ rồi. Đồng lương lãnh ra không đủ tiêu xài, không đủ trả bills nữa thì lấy gì mà để dành. Mà dẫu có chắt mót để dành được chút đỉnh thì cũng chẳng biết chỗ quái nào đâu để mà đầu tư nữa. Trước giờ đầu tư vô đâu cũng toàn là thua với lổ. Nếu làm giàu mà dễ thì thiên hạ ai cũng đã giàu hết rồi!” Ấy, khoan hãy nóng nảy mà nghe Phương nói cái đã nè. Trước hết, tất cả những điều “khó khăn” mà bạn vừa phàn nàn, Phương đều đã trải qua hết trọi trơn. Còn ngon hơn thế nữa, Phương đã phạm trúng, đã mắc phải gần như tất cả những lỗi lầm con người ta có thể phạm mắc trong mục tiêu làm giàu. Cho nên, những kiến thức Phương sẽ chia xẻ với bạn không phải chỉ là lý thuyết suông trong sách vở đâu, mà còn là kinh nghiệm chiến trường mà Phương đã phải trầy da tróc vẩy, chịu bầm chịu dập, và còn phải đóng cả đống tiền “ngu” mới học hỏi được đó. Dĩ nhiên, bạn có thể không tin lời Phương, và cứ khăng khăng cho rằng làm giàu hết sức khó khăn. Bởi khó như vậy nên mình cố gắng làm chi cho nó phí hơi. Cứ tiếp tục ăn xài thả cửa. Lâu lâu mua 1-2 tờ vé số cầu may. Biết đâu Thần Tài sẽ gõ cửa. Hoặc bạn cứ tự mình mò mẫm, thử kiểu nầy hổng được thì thử qua kiểu khác. Chịu mất tiền, mất tiếng, mất thời gian, miễn sao đừng mất mạng là sẽ còn “thua keo nầy ta bày keo khác”. Con đường nầy chính Phương đã đi qua. Nó hơi bị “chua” đó nhe. Còn nếu bạn chịu nghe theo Phương thì mời bạn đọc tiếp. Bước đầu tiên trên con đường dẫn đến sự thịnh vượng là ta phải giữ sao cho đồng tiền đi ra nhỏ hơn đồng tiền đi vô, tức là tổng cộng mức tiêu xài chi phí phải ít hơn tổng cộng mức thu nhập. Hổng có ai trên đời nầy chi ra nhiều hơn thu vô mà giàu được hết. Bạn hổng tin thử đi kiếm đi. Bạn đừng viện cớ: “Mức thu nhập của tui ít xịt hà, mà chi phí thì cả đống, gói ghém cỡ nào cũng hổng đủ!” Chỉ cần bạn có quyết tâm, cộng thêm tí xíu sáng tạo, bạn sẽ tìm ra được cách để cắt giảm chi tiêu. Phương làm trong ngành địa ốc và tài trợ đã trên mười năm. Trước đó Phương làm trong ngân hàng cỡ 5 năm nữa. Trong suốt khoảng thời gian dài nầy, Phương đã coi qua mấy ngàn cái pay-stub, W-2, bank statement. Phương đã gặp những người làm lương rất khiêm nhượng mà để dành được cả mấy chục, mấy trăm ngàn. Họ không lảnh tiền mặt, không gian lận trợ cấp chính phủ, không tản cư tiền từ nước ngoài qua. Họ chỉ cần kiệm, không đua đòi, biết liệu cơm gắp mắm thôi. Ngược lại, Phương cũng đã gặp những ông nầy bà nọ, bằng cấp dầy cui, lương mấy trăm xấp mỗi năm mà vẫn nợ đầy đầu đầy cổ. Nếu vì một lý do nào đó mà phải ngừng làm việc, hết thu nhập, thì vét hết tiền trong bank của những người nầy ra cũng không đủ họ chi tiêu thêm 3 tháng nữa. Người Mỹ có 1 câu nói rất thấm thía: “It’s not how much you make; it’s how much you keep.” Nghĩa na ná của câu đó là “Làm được tiền thì nhằm nhò gì; giữ được tiền mới là đáng kể.” Thế làm sao để giữ tiền đây? Phương đã và đang xài một cái mẹo có tên là “tự trả cho mình trước”. Phương thấy nó đơn giản, dễ làm mà lại hết sức hiệu quả. Đầu tiên, bạn hãy mở một cái savings hoặc là money market account. Tốt nhất là hãy mở qua mạng internet, vừa tiện lợi, được phân lời cao lại không bị đòi hỏi minimum balance cũng như phải đóng tiền fee hằng tháng. Hãy vô những chỗ như ally.com hoặc fnbodirect.com hoặc discoverbank.com mà tìm hiểu thêm. Khi mở cái account nầy rồi, mỗi khi bạn có tiền vô, dù ít dù nhiều gì đi nữa, thì bạn cũng phải ngay lập tức ngắt bớt liền 1 phần mà transfer vô cái chương mục để dành nầy. Tốt hơn hết là hãy để việc “ngắt bớt và chuyển đi” nầy được làm 1 cách tự động. Thí dụ như nếu hãng của bạn trả lương bạn theo kiểu direct deposit thì bạn hãy nhờ họ chuyển thẳng bao nhiêu phần trăm của mỗi cái paycheck vô cái quỹ tiết kiệm đó. Khi khoảng tiền tiết kiệm đi xa khỏi tay bạn, không nằm trong cái account tiêu xài bình thường, bạn không nhìn thấy nó, thậm chí không nhớ tới nó, thì rất có thể bạn sẽ không cần xài tới nó đâu. Bạn hãy làm thử đi. Bắt đầu một cách nhẹ nhàng thôi, chỉ cần gởi đi cất từ 1% tới 5% là cũng hay lắm rồi. Sau một thời gian, quen quen để dành thì ráng tăng thêm chút đỉnh nữa. Bạn phải để dành ít nhất 10% lợi tức của bạn thì mới giỏi. Nên nhớ rằng: không dành dụm = không dư dả = không giàu. Bạn muốn giàu, muốn “rủng rỉnh” mà phải không? Vậy thì hãy bắt đầu để dành tiền liền đi. Phương sẽ trở lại chỉ cho bạn cách đầu tư số tiền để dành nầy trong những bài kế của loạt bài “Đầu Tư ... từ đâu?” Nhờ bạn nhớ đón đọc. Trần Huyphương Edward, Broker của công ty Selection Realty & Mortgage, đã soạn viết nhiều bài vở, giảng dạy nhiều lớp học về Thương Mại và Đầu Tư. Mời vào website www.rungrinh.com để đọc thêm chi tiết. Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin gửi về phuong@rungring.com
source
Viet Tribune Online